Phiền não con người xoay quanh 12 chữ

Buông không đành

Khi đứng trước một món đồ yêu thích chúng ta thường có mong muốn sở hữu. Dù không có khả năng mua được nó nhưng khi thấy người khác dành được ta lại thấy khó chịu, bực bội. Vì không buông được món đồ đó nên chúng ta rơi vào dính mắc, chấp giữ. Từ đó khổ đau phát sinh. Nếu tỉnh táo quán chiếu lại mọi việc, chúng ta sẽ nhận ra thực chất mọi thứ phiền não xảy ra đều xoay quanh cái TÔI, bản ngã của chúng ta.

Có câu chuyện kể về một người đàn ông muốn hạnh phúc. Ông viết lên bảng dòng chữ “Tôi muốn hạnh phúc”. Một nhà sư đi ngang qua thấy vậy bèn xóa đi chữ “Tôi” và bảo: “Hãy bỏ cái TÔI đi”. Rồi nhà sư lại xóa tiếp chữ “muốn” và bảo: “Hãy bỏ HAM MUỐN đi. Bây giờ, ông đã có HẠNH PHÚC.

Buông bỏ bản ngã. Hạnh phúc sẽ đến.

Nghĩ không thông

Đức Phật bằng tuệ nhãn của mình đã thấu suốt mọi khổ đau của con người trên thế gian đều khởi nguồn từ suy nghĩ. Từ những suy nghĩ bất thiện là ý sẽ khiến chúng ta nói lời hung ác là khẩu và làm những hành động sai trái là thân. Muốn không bị phiền não chi phối, chúng ta lúc nào cũng phải hết sức thận trọng, luôn quan sát và làm chủ được suy nghĩ. Không được nghĩ sai cho người hay để những tư tưởng tiêu cực dẫn dắt chúng ta vào con đường ác đạo là tam độc “tham – sân – si”.

Cuộc đời thường xảy ra những chuyện bất như ý, biến hóa khôn lường, phúc họa ẩn tàng trong nhau. Nhưng dù là điều gì xảy đến cũng không quan trọng, quan trọng là cách chúng ta đón nhận nó. Nhiều người cùng một hoàn cảnh mất mát, chung một cảnh ngộ đau thương, nhưng có người an nhiên tự tại, có người đắm chìm trong sầu muộn. Do đâu có sự khác biệt ấy? Là do suy nghĩ mà ra. Trong tăng chúng, đức Thế Tôn luôn răn dạy mỗi người đệ tử: Bản thể của chúng ta được hình thành từ suy nghĩ. Gieo suy nghĩ gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Bằng suy nghĩ, con người có thể kiến tạo ra thế giới theo cách của riêng mình.

Suy nghĩ thanh tịnh. Hạnh phúc sẽ đến.

Nhìn không thấu

Chân lý cuộc đời không thuộc về sự đúng sai, được mất, hơn thua, khen ngợi hay chỉ trích, mà thuộc về những người có hiểu biết chân chính. Làm người chớ nên dòm ngó, suy xét, nhìn lỗi lầm của người khác. Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, bản chất con người là tốt đẹp nhưng khi sống ngoài xã hội bị những toan tính thiệt hơn làm vẩn đục đi tâm hồn thanh lương. Bởi vậy, đúng sai phải trái trong suy nghĩ hay việc làm, đó là việc của người; chúng ta không có quyền phán xét.

Tại sao chúng ta không bao giờ tự nhận lỗi sai về phía mình? Do mình còn thiếu sót nên công việc không thành công? Đơn giản là vì chúng ta dễ tự ái, không muốn tổn thương lòng tự trọng. Chính vì khởi tâm phân biệt ta – người nên chúng ta mới chất chứa trong lòng quá nhiều nỗi phiền muộn, lâu ngày dễ sinh tật bệnh.

Như vậy, điều chúng ta cần nhìn thấu không phải là lỗi lầm của người mà chính là bản thân chúng ta. Đừng vì mải mê chỉ trích, phê bình khiếm khuyết của người khác mà đánh mất chính mình, khiến thân tâm vẩn đục. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ nói: “Người thực sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”.

Quán xét tâm mình. Hạnh phúc sẽ đến.

Quên không được

Sở dĩ con người mãi trầm luân trong lục đạo luân hồi là vì chấp trước vào một sự việc hay một hình bóng. Chúng ta dễ dàng quên đi thâm ân của những người giúp ta khi hoạn nạn, khó khăn. Còn với nỗi đau, hận thù khiến chúng ta tổn thương thì lại cất giữ trong lòng, giấu vào một nơi sâu kín. Chúng ta đang tự tay trói buộc tâm mình bằng một sợi dây gai vô hình mà không hề hay biết. “Dây gai” ghét bỏ, “dây gai” thương nhớ đó siết vào thân ta, vào tâm ta, làm ta rỉ máu, đau đớn ngày này qua tháng khác. Gỡ bỏ chúng vô cũng đơn giản, chúng ta chỉ cần quên đi. Nhưng không sao quên được, cứ khắc cốt ghi tâm. Nhiều người còn dại dột buông lời thề độc: “Dù có chết cũng không tha thứ, nguyện không xóa bỏ”.

Thực ra trong cuộc sống, đôi khi phải chấp nhận quên đi vài người vì họ không thuộc về chúng ta. Quên đi vài chuyện vì chúng mãi thuộc về quá khứ. Mỗi giai đoạn của cuộc đời như một chương sách vậy. Khi một chương kết thúc cũng là lúc chương mới mở ra. Bởi vậy, chúng ta không thể bắt đầu chương mới của cuộc đời nếu cứ tiếp tục đọc các chương trước.

Quên đi thương đau. Hạnh phúc sẽ đến.  

Xin thường niệm A Di Đà Phật!

Bình luận về bài viết này